Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 5 với trang Fox Business, Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải của Mỹ – bà Triệu Tiểu Lan chia sẻ: “Chúng ta hiện đã có những chiếc xe tự lái. Chúng có thể chạy bon bon trên đường cao tốc, men theo những vạch trắng kẻ đường và thực sự không cần đến con người điều khiển.”
Một bài thử nghiệm tính năng hỗ trợ người lái xe của Mercedes-Benz với người giả trên đường
Theo Wired, điều đó không đúng. Ngay lúc này đây, bạn đã có thể mua một chiếc xe với tay lái tự điều khiển và thắng/phanh. Các thương hiệu lớn như Tesla, Cadillac, Mercedes-Benz, Lexus và Audi đã hoặc sẽ sớm cung cấp hệ thống trợ giúp lái xe tiên tiến này nhưng để bạn có thể thoải mái ngủ trưa, làm việc với email hoặc đắm mình vào thế giới thực tế ảo với chiếc tai nghe VR ở phía sau tay lái thì hiện chưa có hãng nào làm được, hoặc chưa thể xuất hiện sớm trong thời gian tới. Trái ngược với suy nghĩ của vị bộ trưởng, những chiếc xe ô tô ngày nay cần đến sự giám sát và can thiệp của con người nếu có điều gì không đúng xảy ra.
Nhưng đừng đổ lỗi cho sự nhầm lẫn của bà ấy. Bởi lẽ, khi nói đến loại xe mới này – loại xe (có khả năng) tự lái, chỉ là người ta không biết rõ những gì đang nói. Làm thế nào bạn phân biệt “xe tự lái”, “xe tự điều khiển”, hoặc “xe không người lái”, hoặc “xe tự động”? Chính xác thì mỗi công nghệ mang đến những gì? Công nghệ trong hệ thống trang bị cho chiếc xe này khác với công nghệ trong hệ thống của chiếc xe khác ra sao? Greg Rogers – chuyên gia phân tích chính sách về phương tiện giao thông vận tải của trung tâm Eno – cho biết: “Hiện người tiêu dùng phải đối mặt với sự nhập nhằng giữa các khái niệm “phương tiện tự động”, “tự lái” và “tự điều khiển” hàng ngày”.
Viện công nghệ Massachusetts (MIT)
Theo một nghiên cứu mới được thực hiện gần đây, ngành công nghiệp ô tô đang thực hiện một công việc khá kinh khủng để công chúng biết hệ thống làm việc mới của họ hoạt động ra sao. Trong một báo cáo được công bố vào tháng trước bởi các nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), khảo sát 450 người tham gia về các thức hoạt động của các tính năng bán tự động hiện đang có hoặc sắp xuất hiện trên thị trường. Họ đang thấy hoang mang.
Phần lớn những người tham gia khảo sát không thể đánh giá được khả năng của các tính năng dựa trên tên gọi của chúng. Dường như họ hiểu rằng với tính năng sử dụng thuật ngữ “Cruise” có nghĩa là cần phải để ý đến đường chạy khi sử dụng chúng, giống như trên những hệ thống kiểm soát hành trình hiện tại. Đây quả là tin tốt lành cho Hệ thống kiểm soát hành trình chủ động Active Cruise Control) của BMW và Hệ thống kiểm soát hành trình thông minh (ICC – Intelligent Cruise Control) của Nissan, mỗi hệ thống đều duy trì một khoảng cách an toàn giữa các phương tiện đang di chuyển trên đường. Tuy nhiên, họ đã bị rối trí bởi các tính năng có thuật ngữ “Assist” trong tên gọi, như Pilot Assist (Hệ thống lái bán tự động) của Volvo và Traffic Jam Assist (Hệ thống trí thông minh nhân tạo hỗ trợ lái xe) của Audi. Phải chăng đây là hệ thống hỗ trợ cho tài xế, hay tài xế phải hỗ trợ cho hệ thống trên xe?
Khảo sát của các nhà nghiên cứu về Hệ thống tự lái (Autopilot) của Tesla không đi đến kết quả cụ thể bởi những người tham gia khảo sát cho rằng nó đã quá quen thuộc với họ nên không thể đánh giá nó chỉ riêng cái tên của nó.
Trên đường chạy, nhầm lẫn đó có thể dễ dàng trở nên nguy hiểm, tạo ra tình huống mà người lái xe không hiểu hết trách nhiệm của họ đằng sau tay lái. Những hệ thống này mang đến những khả năng tương tự nhưng với sự khác biệt quan trọng. Có hệ thống chỉ có thể làm việc trên những con đường nhất định; có hệ thống có khả năng giữ cho xe chạy đúng làn đường nhưng không thể giúp quẹo cua; hoặc có hệ thống giúp xử lý bất cứ điều gì nhưng đòi hỏi người lái xe tác động vào tay lái sau mỗi vài phút.
Hillary Abraham – nhà nghiên cứu cách con người tương tác với hệ thống hỗ trợ người lái xe tại MIT – cho biết: “Nếu không nhất quán trong cách đặt tên cho những tính năng “bán tự động” với những khả năng khác nhau có thể dẫn đến sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng khi họ lựa chọn trang bị và sử dụng chúng. Điều quan trọng là phải hiểu cách thức các tên gọi của tính năng ảnh hưởng đến quan niệm của người tiêu dùng về những khả năng có được thông qua tên gọi như thế nào và chúng liên quan ra sao đến các hệ thống khác có thể đang có trên thị trường”.
Quảng cáo của Mẫu xe Mercedes-Benz E-Class 2017 đã bị gỡ bỏ do cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho Khách hàng
Nguy cơ sẽ gia tăng khi ngày càng có nhiều phương tiện được trang bị các tính năng “tự động” lăn bánh trên đường. Hiện có hơn 40 nhà sản xuất đang cung cấp ra thị trường các hình mẫu hệ thống an toàn cao cấp. Cadillac và Audi sắp sửa ra mắt tính năng trợ lái bán tự động; các nhà sản xuất ô tô khác cũng sẽ sớm nối gót theo, điều đó có nghĩa cần phải có thêm nhiều nghiên cứu nữa. Người tiêu dùng sẽ sử dụng những phương tiện này như thế nào? Làm thế nào các nhà sản xuất ô tô quảng cáo khả năng của những phương tiện đó? Mercedes-Benz đã gỡ bỏ quảng cáo mẫu sedan hạng sang cỡ trung E-Class của hãng vào năm ngoái sau khi nó gây nhầm lẫn và mô tả sai tính năng của chiếc xe (theo quảng cáo thì mẫu này là xe tự lái)! Và ngành công nghiệp này sẽ hướng dẫn khách hàng sử dụng các tính năng mới này như thế nào?
Tất nhiên, các nhà sản xuất ô tô có nhiều cơ hội khác ngoài những thông tin quảng cáo nhằm giúp người tiêu dùng biết được chiếc xe của họ hoạt động như thế nào chứ không chỉ qua những thông tin trên giấy. Như trong đại lý của hãng xe chẳng hạn, nơi khách hàng có thể trao đổi và chạy thử chiếc xe mà họ định mua. Đây là cơ hội cho các nhà sản xuất – thông qua đại lý phân phối xe của họ – giải thích cách thức hoạt động của xe và những hạn chế của chúng. Một số hãng đã làm việc này khá tốt. Hệ thống an toàn EyeSight của Subaru đã làm xôn xao trong nghiên cứu của MIT với chỉ 13% số người tham gia trả lời dự đoán nó có khả năng hỗ trợ chuyển làn đường, cảnh báo va chạm và tự động phanh. Nhưng các nghiên cứu khác lại cho thấy nhà sản xuất ô tô đến từ Nhật Bản đã dành nhiều tài nguyên để đào tạo cho các đại lý của hãng để giải thích cách thức hoạt động của hệ thống an toàn.
Nhiều đại lý của các hãng xe không nắm vững nghiệp vụ chuyên môn
Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ những thứ mình đang làm, cả những cửa hàng bán xe ô tô cũng không ngoại lệ, việc họ không hiểu chiếc xe “tự lái” mà họ bán hoạt động như thế nào cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Khi Erin MacDonald ghé qua một đại lý xe ô tô ở California thời gian gần đây để mua một chiếc xe mới với một số tính năng tự động, cô nhận thấy những nhân viên bán hàng ở đây không biết nhiều về những gì họ đang bán. Cô nói: “Họ không thể giải thích tại sao nó hoạt động, những hạn chế của nó, hoặc ở những điều kiện nào thì sử dụng nó an toàn”. Cuối cùng, kỹ sư cơ khí – làm nghiên cứu thiết kế sản phẩm tại Đại học Stanford – đã phải tự nghiên cứu mọi thứ có liên quan để tìm ra những tính năng mà cô cần và sau đó so sánh chúng với những tín năng tương tự trên các thương hiệu xe ô tô khác nhau.
Điều này có thể chứng minh một vấn đề cho các nhà sản xuất ô tô cũng như khách hàng. Theo Ryan Calo – chuyên gia về luật và công nghệ không gian mạng tại Trường Luật của Đại học Washington – cho biết: “Thứ bạn gọi là “cái gì đó” có thể được coi là một loại lời hứa ngầm rằng tính năng này có khả năng hoạt động an toàn trong những tình huống nhất định”. Thẩm phán hoặc bồi thẩm đoàn có thể giải nghĩa các thuật ngữ như Autopilot hoặc ProPilot như một cam kết rằng chiếc xe có thể “tự lái”, mà không đếm xỉa tới thông tin cần chú ý được in nhỏ đi kèm.
Mẫu xe tự lái của Google, thể hiện mong muốn giải phóng con người hoàn toàn khỏi bánh lái
Các kỹ sư có ngôn ngữ chuyên biệt cho hệ thống tự động trên xe ô tô. Nhưng thứ ngôn ngữ “nặng nề” về mặt kỹ thuật đã không cùng nhịp với các quy chuẩn hiện có. Calo cho rằng các tính năng bán tự động ngày nay quá khác biệt – trên chiếc xe BMW, chúng không hoạt động giống như trên chiếc xe của Nissan, và cũng không giống như trên chiếc xe của Tesla – vì vậy cần chuẩn hóa tên gọi để có thể sử dụng trên tất cả các thương hiệu của các nhà sản xuất ô tô.
Những người khác không đồng ý. Theo Bryan Reimer – một nhà nghiên cứu của MIT ,đã nghiên cứu về hành vi lái xe của người lái xe và đã từng làm việc về Nghiên cứu thương hiệu cho biết: “Nghiên cứu này nên là một lời kêu gọi hành động thì tốt hơn – ngành công nghiệp cần phải giải quyết những vấn đề này.” Ông lập luận rằng các nhà sản xuất ô tô cần phải bỏ qua một bên những mối quan ngại về sự khác biệt giữa các thương hiệu – làm cho sản phẩm của họ trông đẹp hơn sản phẩm cạnh tranh – để quảng bá cho các nhãn hàng sao cho mọi người tiêu dùng đều có thể hiểu được.
Reimer cho rằng, “Tự động hóa” ít gây ra vấn đề về mặt kỹ thuật hơn so với vấn đề về hành vi trong quá trình phát triển các kỹ thuật để hỗ trợ con người, các tính năng hoạt động ra làm sao để tối ưu, phục vụ tốt nhất cho con người mới là vấn đề quan trọng. Chúng ta đang bước vào thời đại của những chiếc xe tự lái hoặc tự điều khiển, mặc dù ở thời điểm hiện tại chúng vẫn chưa xuất hiện. Trong khi chờ đợi, nhân loại sẽ phải tìm ra cách chúng hoạt động và sau đó phác thảo ra, rô-bốt sẽ hoàn tất những khâu còn lại.
Thanh Long